Tìm hiểu về “Pho sử sống” của hòn đảo Lý Sơn

Đến Lý Sơn, người ta không thể không nhắc tới một người suốt 40 năm qua đã không ngừng tìm kiếm, lưu giữ hàng nghìn , hàng trăm tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, và cả những hiện vật văn hóa, lịch sử của đảo Lý Sơn. Ông là Phạm Thoại Tuyền – hậu duệ đời thứ năm của Cai đội Phạm Hữu Nhật, một trong những người có công “cắm mốc” khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước.Người “giữ hồn” Lý SơnTừ cảng trung tâm, mất khoảng dăm phút vừa đi vừa hỏi đường, chúng tôi đã tìm được ngôi nhà của ông Phạm Thoại Tuyền tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Bỏ lại sau lưng những ồn ã “phố xá” của khu chợ trung tâm, lối đi nhỏ được tạo thành bởi hai hàng cây xanh dẫn thẳng vào sân nhà ông Tuyền khiến người ta như bước vào một thế giới khác, tĩnh lặng và thơm ngát hương hoa. Ngôi nhà cổ ba gian, mái ngói màu nâu nằm thâm trầm giữa vườn cây cảnh xanh ngút ngát, được chăm sóc cẩn thận bởi bàn tay khéo léo của chủ nhân.

 “Pho sử sống” của hòn đảo Lý Sơn
Ông Tuyền bên chiếc tủ trưng bày cổ vật.
Tiếp chúng tôi ngay gian chính của từ đường họ Phạm, ông Tuyền vừa rót trà, vừa hồn hậu trải lòng: “Tôi sinh ra trong một gia đình có nhiều đời đam mê sưu tầm hiện vật, chính vì vậy mà cái “máu” sưu tầm cứ ngấm vào tôi từ lúc nào. Tôi muốn giữ lại tất cả những gì liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Lý Sơn, từ những hiện vật nhỏ nhất, cho đến những tài liệu quý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam… Với nhiều người, những hiện vật, tài liệu này chẳng có giá trị nhiều, nhưng với tôi, chúng là tài sản vô giá…”.Niềm đam mê sưu tầm đã khiến ông Tuyền biến từ đường họ Phạm thành một khu bảo tàng thực thụ. Hàng nghìn cổ vật, hàng trăm tài liệu quý, từng chồng sổ sách chép tay do ông tự nghiên cứu và cả những bài viết sưu tầm… đều được gìn giữ cẩn thận, sắp xếp rất khoa học và bày biện trang trọng trong những ngăn tủ kính. Trong gian nhà chính, ngoài ban thờ được đặt ở chính giữa, bên trái là chiếc tủ kính ba tầng, tầng trên cùng là những hiện vật liên quan đến Cai đội Phạm Hữu Nhật, tầng thứ hai là những cổ vật thuộc nền văn hóa Chăm, tầng dưới cùng là cổ vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Chiếc tủ kính bên phải được dành bày các loại đĩa, chén, gốm sứ thời Nguyễn, các loại tiền cổ… Kho hiện vật giá trị ấy là thành quả của 40 năm ông miệt mài tìm kiếm. Song với tôi, ông Tuyền mới chính là một “bảo tàng lịch sử” đồ sộ và sống động nhất.Mở chiếc tủ kính, ông Tuyền nâng niu một bức tượng đồng bán thân được chạm khắc tinh xảo. Ông cho biết: “Đây là bức tượng cụ Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật mà tôi hữu duyên sưu tầm được cách đây không lâu. Tôi đặc biệt quý bức tượng này bởi đó không chỉ là hình ảnh có giá trị lịch sử với gia đình, dòng tộc mà còn là hiện vật nhắc nhở thế hệ sau nhớ về và biết ơn công lao của cha ông mình…”.

“Kho tàng sống” trên đảo

Sinh ra trong một gia đình gia giáo, từ nhỏ ông Tuyền am hiểu Nho học và kế thừa được lòng yêu nước từ các bậc tiền nhân. Vốn mê sưu tầm hiện vật và am hiểu thời cuộc, sau ngày đất nước thống nhất, ông Tuyền bắt tay ngay vào việc tìm tòi, nghiên cứu những hiện vật, tài liệu liên quan đến chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Lý Sơn. Hễ nghe thấy ở đâu có người phát hiện ra cổ vật khi đào móng làm nhà, khi thay đất trồng hành tỏi, hoặc có ai đang lưu giữ tài liệu quý… ông lại bỏ hết công việc, vội vàng tìm đến để xin hoặc mua lại rồi cất giữ cẩn thận. “Có rất nhiều cổ vật hoặc tư liệu có giá trị nhưng người lưu giữ lại không hiểu được giá trị của chúng. Không ít lần, để có được một món , tôi đã phải cất công năn nỉ, thuyết phục họ cả tháng trời…” – ông Tuyền cười tâm sự. Ban đầu, thấy ông suốt ngày khi thì bận bịu chạy khắp nơi tìm kiếm hiện vật, loay hoay lau chùi, sắp xếp những món mốc meo theo năm tháng; lúc lại hí hoáy với những trang tư liệu đã ố vàng, rách tả tơi… hàng xóm và người nhà ai cũng lắc đầu, nghĩ ông “gàn dở”. Song ông Tuyền vẫn lặng lẽ thực hiện niềm đam mê, tâm huyết của đời mình. Sau 40 năm tìm kiếm, sưu tầm, đến nay ông Tuyền đã sở hữu trong tay hàng nghìn món cổ vật, từ đĩa, bát, tiền xu… đến các sắc phong, ấn tín của nhiều đời vua. Trong số đó, không ít cổ vật có niên đại hàng nghìn năm và nhiều cổ vật liên quan đến Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, ông còn có trong tay những tài liệu quý giá như sắc phong của vua Gia Long phong thần cho những người có công đi trấn giữ Hoàng Sa. Từ sau năm 1990, nhiều cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa như GS Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Nguyễn Nhã (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), TS Nguyễn Đăng Vũ (Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi)… đã không quản lặn lội đường sá xa xôi, đến tận Lý Sơn tìm ông để được tận mắt chiêm ngưỡng kho cổ vật và tìm hiểu những tư liệu quan trọng mà ông cất giữ. Nhiều nhà báo, du khách… muốn tìm hiểu về Hoàng Sa – Trường Sa và lịch sử của Lý Sơn đều tìm đến nhà ông, nơi chính ngôi nhà và chủ nhân đều là những “kho tàng sống” hiếm hoi trên đảo. Điều đó được chứng minh bằng những cuốn sổ dày cộp được đóng gáy cẩn thận, lưu giữ hàng trăm lưu bút của các nhà sử học, nhà báo, du khách… mỗi khi ghé thăm nhà ông Tuyền.

Sau khi hiến tặng nhiều tư liệu quý cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, ông bắt tay vào sưu tầm thêm những bài viết liên quan đến quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Đọc ở đâu thấy bài viết về chủ đề này, ông đều cắt riêng ra, cất giữ rất cẩn thận. Nhiều bài báo hay được ông ép plastic, đóng trong khung kính, treo trang trọng trên tường nhà. Thấy ông Tuyền say mê nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa, một nhà sử học đã tặng ông tấm An Nam Đại Quốc họa đồ. Tấm bản đồ ấy hiện được ông treo ngay gian chính của từ đường họ Phạm. Ông Tuyền bảo: “Tôi tuy yêu sử và hiểu nhiều về lịch sử, nhưng chủ yếu là lịch sử của Lý Sơn. Sưu tầm những bài viết về Hoàng Sa – Trường Sa để hiểu hơn về lịch sử và có thêm căn cứ khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương mình”. Hơn 60 tuổi đời, với 40 năm miệt mài sưu tầm cổ vật, ước mong lớn nhất của ông Tuyền là thế hệ sau sẽ tiếp tục kế thừa, biết trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất mình đang sống.

Trước khi chia tay, tiễn tôi ra tận cửa, ông Tuyền chợt chỉ vào gốc cây bon – sai cổ thụ đặt trước hiên nhà: “Tôi đặt tên cho cây Sộp này là “Chinh phụ Hoàng Sa”, bởi nó có thế giống hệt dáng của những chinh phụ cả đời chôn chặt tuổi thanh xuân ngóng tin chồng. Những người chồng của họ là những hùng binh trong đội Hoàng Sa năm xưa đã vệ quốc vong thân, ra đi bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương và vĩnh viễn không bao giờ trở lại…”. Tôi chợt hiểu, trong niềm tự hào về lịch sử của mảnh đất, dòng tộc…, trong ông còn ẩn chứa cả nỗi đau về số phận những con người. Nguyện dành cả đời mình cho việc sưu tầm cổ vật, ông Tuyền chỉ có một tâm niệm duy nhất: “Muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, trước hết phải bảo vệ, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại…”.

Bảo Nga

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>