Nguyên tắc chế tác của gốm đời Đường và gốm đời Tống
Nguyên tắc của gốm Đường và gốm Tống đại khái như sau:Gốm Đường luôn luôn thật nhẹ, xốp, không chắc thịt và có nhiều màu sắc sặc sỡ vì lúc ấy chưa biết dùng lửa cao độ nên phôi không mịn. Tuy vậy để khỏi rịn nước ra bên ngoài thì lúc đó người ta đã biết dùng nhiều thứ men che phủ trông khá vui mắt. Nhưng vì hầm lửa nhiệt độ thấp nên đồ này thường rất dễ vỡ. Kiểu thức Đường thì học tập cách thức pha chế màu từ công thức chế đồ bằng bạc, bằng đồng do nước I ran. Ba tư đem qua, và phần nhiều chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, và được xếp vào loại đa màu (Polychromes).
Sau đó, thợ đời Tống nghiên cứu để khắc phục những sở đoản ấy, nên chế ra gốm, nung cao độ hơn, chắc thịt hơn, bền và khó vỡ hơn, và hơn nữa là đời Tống người ta tôn sùng đạo Lão nên gốm Tống mang vẻ nguyên sơ, không dùng áo men lớp ngoài, lại được nung ở nhiệt độ cao hơn đời Đường, làm cho cốt thai chảy lớp da ngoài thế cho men, đặc biệt là khi vào hầm nung được một lớp áo thiên nhiên do sức lửa làm chảy cốt thai, làm thành một lớp trơn láng và mịn thịt. Nên nhớ là gốm Tống cốt thai rất dày và rất nặng, vì đời Tống đã lấy đá ở Từ Châu gọi là Từ thạch, xay ra và chế biến để làm cốt thai, khi vào lửa sẽ bất ngờ đổi màu, gọi là hiện tượng Hoả biến (Accident de four). Điều đó cũng cho ta thấy ý tưởng trọng tự nhiên của đạo Lão, tư tưởng chủ đạo đời Tống. Cách chế biến này có điểm hay là màu men không thể biết trước được, chỉ khi ra lò mới thấy được cái vi diệu của nó mà thôi. Đồ Tống thuộc loại độc sắc (Monochrome) và gần đồ Da lu(Grès) hơn là gốm (Porterie), đồ đất nung (terre cuite). Nói tóm tắt lại, gốm Đường thuộc loại nhẹ, hầm lửa non, gốm Tống thuộc loại nặng, hầm lửa già nên bền chắc hơn gốm Đường. Chơi đồ cổ là một thú chơi bác học và gian nan, thật thú vị nếu mỗi ngày chúng ta lại biết thêm một bí quyết sách vở về chúng. Nguyễn Hạnh ( Tổng hợp) |
Leave a Reply